Cải cách giáo dục Giáo_dục_Việt_Nam

Nền giáo dục Việt Nam kém chất lượng và không có hướng đi rõ ràng[49]. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thừa nhận nền giáo dục Việt Nam tồn tại những yếu kém như chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, ứng dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi cử và đánh giá lạc hậu, thiếu thực chất; thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc; hệ thống giáo dục thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; quản lí giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục; chất lượng, số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục còn nhiều hạn chế; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả; chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp; cơ sở vật chất kĩ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.[50] Đây cũng là nhận định của Đảng Cộng sản Việt Nam về nền giáo dục Việt Nam[51].

Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân của những yếu kém vừa kể do việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư duy bao cấp còn nặng, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ. Nguồn lực quốc gia và khả năng của phần đông gia đình đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu.[51]

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, nhu cầu học tập của nhân dân. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa kế thừa, củng cố, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương. Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.[50]

Hoàng Tụy nhận xét về cải cách giáo dục ở Việt Nam "Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu môt tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “đổi mới” liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm nầy qua năm khác. Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.[20]".

Ngành giáo dục cần phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém,... Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Một đề xuất được đưa ra đó là: "Nên bỏ “biên chế” như hiện nay đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập. Tất cả đều thực hiện chế độ “Hợp đồng lao động” có thời hạn, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ”.[52][53][54]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_Việt_Nam http://www.ninh-hoa.com/bk-ThuyNguyen_GiaoDucvaThi... http://www.thegioitoi.com/main.php?asin=detail&id=... http://www.danchimviet.info/archives/32514 http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2009/10/3b... http://web.archive.org/web/20050404180245/http://v... http://web.archive.org/web/20070125222206/http://v... http://web.archive.org/web/20070706222856/http://v... http://web.archive.org/web/20070706222856/http://v... http://web.archive.org/web/20100416050223/http://w... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=119...